Quan Thế Âm Bồ Tát từ xưa đến nay vẫn luôn chiếm một phần không hề nhỏ trong thế giới tâm linh của chúng sinh, đặc biệt là những Phật tử một lòng hướng Đạo. Không chỉ xuất hiện tại chùa chiền hay những nơi thờ tụng lớn để công chúng thành tâm cúng bái, Tượng Phật Quan Âm ngày nay còn xuất hiện ngay tại gia.
Số lượng người đặt mua tượng Phật Bà Quan Âm không hề ít, mẫu mã và chủng loại cũng rất đa dạng và đẹp mắt. Trước hết, với các Phật tử, đặt tượng Quan Âm trong nhà sẽ thuận tiện hơn rất nhiều cho việc thờ tụng, không phải đi lại quá xa. Còn với người bình thường, việc bài trí tượng Quan Âm trong nhà không chỉ giúp tăng thêm nét đẹp thẩm mỹ cho ngôi nhà, mà còn mang lại rất nhiều giá trị phong thủy có lợi cho gia chủ.
Tóm tắt
Sự tích Quan Thế Âm
“Cành dương hóa hiện cõi nhân thiên
Cam lồ nước mát giải nghiệp duyên
Thần thông vi diệu ngời công hạnh
Cứu vớt nhân sinh tục lụy phiền..”
Nhắc đến Quan Thế Âm Bồ Tát, chắc hẳn ai cũng sẽ nhớ đến hình ảnh một nữ tiên nhân tay cầm bình cam lộ, tay phất cành dương liễu. Quan Âm cứu khổ cứu nạn, phổ độ chúng sinh, giải thoát nhân gian khỏi những ưu phiền của bể khổ nhân gian, cho tâm sáng cho lòng thanh tịnh. Nhưng có phải ai cũng biết nguồn gốc của niềm tin vào Quan Âm Bồ Tát do đâu mà có?
Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam là ba quốc gia châu Á vốn nổi tiếng sùng bái Đạo Phật, do đó mà nguồn gốc và điển tích xuất hiện các Phật cũng không hẳn đã giống nhau. Tại Trung Quốc, khoảng trước thế kỉ thứ 10, Phật Quan Âm từng được gán với hình ảnh nam nhân, tượng Phật Quan Âm thời đó thậm chí còn để râu. Rồi sau này, do ảnh hưởng và pha trộn của nhiều luồng tôn giáo, người ta bắt đầu thấy xuất hiện các tượng Quan Âm trong diện mạo của nữ tiên nhân áo trắng, khuôn mặt hiền từ, phúc hậu. Sự tích về Phật Bà Quan Âm cũng có nhiều khác biệt. Tại Việt Nam những sự tích về Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Nam Hải đã phổ biến từ những thế kỉ 17, 18 và được truyền tụng cho đến tận ngày nay.
Sự tích Quan Âm Nam Hải
Kể về một vị công chúa đã xuất gia ở Việt Nam để hóa độ cho vua cha nhiều tội ác. Tại Trung Quốc, người ta truyền nhau rằng vị công chúa này là con gái thứ ba của vua, tên gọi là Diệu Thiện. Vì nhà vua hết lòng cầu khẩn xin một người con trai, nhưng khi chào đời lại là con gái, nên đã đem lòng oán giận. Công chúa Diệu Thiện lớn lên chỉ say mê kinh kệ, một lòng quy y cửa Phật, cự tuyệt việc thành thân do vua cha sắp đặt, nên lại càng bị vua cha oán giận.
Vị vua tìm mọi cách ép công chúa hoàn tục nhưng đều thất bại, đã hạ lệnh giết công chúa Diệu Thiện nhưng đều không thành. Khi vua hạ lệnh đốt chùa Bạch Tước nơi công chúa tu thì trời bỗng có mưa to dập tắt lửa, khi hạ lệnh xử chém thì mọi gươm đao đều bỗng nhiên gãy vụn, lúc xử trảm thì bỗng nhiên có con cọp trắng xông đến mang công chúa đi.
Rồi một thời gian sau, vị vua đột nhiên bị chứng bệnh hủi không chữa được, dần dần hai bàn tay bị rơi rụng và mắt trở nên mù. Công chúa tu đã đến kì đắc đạo trở về thăm cha và đã hi sinh hai mắt cùng hai tay để cho cha. Sau đó công chúa nhập Niết Bàn và cứu độ cha mẹ và hai chị cùng thành Phật.
Sự tích Quan Âm Thị Kính
Kể rằng ngài đã đầu thai và tu hành 9 kiếp. Trong kiếp thứ 10, ngài được đầu thai làm một con gái trong một gia đình họ Mãng ở nước Cao Ly và được đặt tên là Thị Kính. Sau này lấy chồng, Thị Kính bị vu oan giết chồng và bị đuổi khỏi nhà chồng, đã quyết định cải trang thành nam giới đến chùa xin đi tu, lấy pháp danh là Kính Tâm.
Con gái phú ông, tên là Thị Mầu, năm lần bảy lượt trêu ghẹo Kính Tâm nhưng không được đáp lại. Thị Mầu lại có thai với người đầy tớ. Khi bị tra hỏi, Thị Mầu khai rằng Kính Tâm là cha của thai nhi. Kính Tâm tuy kêu oan nhưng không dám tiết lộ ra bí mật của mình. Sau đó, Kính Tâm phải tu ở ngoài cổng chùa để chùa không bị mang tiếng.
Thị Mầu sinh ra được một đứa con trai, đem đứa nhỏ đến chùa gửi cho Kính Tâm. Kính Tâm vì tính thương người, nhận đứa trẻ vào nuôi dưỡng. Khi đứa trẻ lên 3 tuổi thì Kính Tâm bị bệnh nặng. Biết mình sắp chết, Kính Tâm dặn dò đứa trẻ đưa thư cho sư cụ của chùa. Sau khi đọc rõ sự tình, sư cụ kêu người khám xét thi thể Kính Tâm, mới biết rằng Kính Tâm là gái giả trai. Thị Kính sau khi chết đã tu thành chính quả, thành Quan Thế Âm Bồ Tát.
Tượng Gỗ Quan Âm trong phong thủy
Trong phong thủy, Quan Âm là biểu tượng của điềm lành. Các khối tượng gỗ Quan Âm khi được chạm khắc đều có khuôn mặt hiền hậu, nét mặt từ bi, khi nhìn vào có cảm giác an lành, thanh tịnh. Danh xưng Quan Thế Âm Bồ Tát cũng xuất phát từ ý nghĩa về vị Bồ Tát luôn nhìn thấy tiếng ai oán, đau khổ trong bến mê của chúng sinh và sẵn sàng cứu giúp hay nói pháp khi cần. Ngài lắng nghe tiếng kêu bi thương của con người để tìm tới mà cứu độ, nhất là trong các nạn lửa, nước, quỹ dữ và đao kiếm. Phụ nữ không con cũng hay cầu Quan Âm.
Bài trí tượng gỗ Quan Âm trong nhà theo phong thủy sẽ mang đến tác dụng hoá hung khí, đem lại bình an, giải trừ tai ách cho gia chủ. Phật Bà Quan Âm phổ độ chúng sinh, mang tới yên vui cho gia đạo, đồng thời giúp gia chủ gặp may mắn đường công danh sự nghiệp, sức khỏe và đường con cái. Đặt tượng Phật Quan Âm trong nhà cũng giúp cho tâm tính gia đạo trở nên thanh tịnh, từ bi, hướng tới điều thiện.
Tượng gỗ Quan Âm được tạo tác theo nhiều dạng khác nhau, nhưng phổ biến nhất là dạng Bồ tát nghìn tay nghìn mắt, hoặc là Quan Âm ẵm trên tay một đứa bé, có khi một đồng tử theo hầu. Hoặc không thì sẽ là hình Quan Âm tọa trên đài sen, trong mây hoặc cưỡi rồng trên thác nước, trên tay Quan Âm thường cầm hoa sen hoặc bình cam lộ và cành dương liễu.
“Đầu cành dương liễu vương cam lộ
Một giọt mười phương rưới cũng đầy
Bao nhiêu trần lụy tiêu tan hết
Đàn tràng thanh tịnh ở ngay đây.”
Nước cam lộ vừa ngọt vừa mát chính là biểu trưng cho lòng từ bi. Nước này rưới tới đâu là chan rải tình thương tới đó, làm mát mẻ êm dịu mọi khổ đau của chúng sanh. Cành dương liễu chính là biểu trưng cho sự nhẫn nhịn, thiếu đi cành dương liễu sẽ không rưới được nước cam lộ. Hai vật thần này không thể tách rời, cũng giống như từ bi và nhẫn nhục phải luôn song hành cùng nhau, người có lòng từ bi mà thiếu đi tính nhẫn nhục thì cũng không mang lại ích lợi viên mãn cho cuộc đời.
Tượng Phật bà Quan Âm thường được tạc bằng nhiều chất liệu khác nhau từ ngọc, đá quý, đồng, vàng, thạch cao,… cho đến các chất liệu gỗ dân gian như gỗ mít hoặc loại gỗ thủy tùng quý hiếm, mỗi chất liệu đều mang lại cho khối tượng một nét đẹp và nét độc đáo riêng.
Bài trí tượng Quan Âm bằng gỗ theo phong thủy
Phần lớn mọi người khi đặt tượng gỗ Quan Âm tại gia đều có mong muốn cầu bình an, phúc lành cho gia đạo. Để việc thờ Quan Âm tại gia hoặc bài trí tượng Phật Quan Âm thực sự mang lại may mắn, phúc lộc cho gia chủ, nhất định phải chú ý đến yếu tố phong thủy. Đặc biệt là phải tránh một số điều kiêng kị sau đây để phát huy tối đa hiệu quả và giá trị của việc bài trí tượng Quan Âm Bồ Tát trong nhà:
- Không nên đặt tượng Phật Bà cùng với những thần phật khác như Quan Đế hay Thổ Địa vì sẽ không mang tới may mắn, phước lành.
- Không quay tượng Phật Bà về những hướng như: nhà vệ sinh, phòng ngủ hoặc phòng ăn. Vì đây đều là một số khu vực không yên tĩnh và thanh tịnh, hoặc là các không gian riêng tư, vậy nên đặt tượng gỗ Quan Âm tại những nơi này sẽ không thể hiện được lòng thành kính với Phật, không những không cầu được may mắn và phước lành mà còn khiến gia chủ gặp nhiều vận rủi.
- Nếu thời cúng Quan Âm Bồ Tát tại nhà thì lễ vật cúng bái nên là hoa tươi và trái cây hoặc đồ chay, tuyệt đối không được cúng đồ mặn.
Cách đặt tượng Phật Bà Quan Âm trong nhà thích hợp nhất là ngay giữa nhà, gian thờ Phật, hướng về phía cửa chính hoặc hướng Đông, hoặc là đặt tại phòng khách, phòng làm việc. Đặt tượng Phật trong phòng làm việc sẽ giúp bạn thanh tịnh, tập trung hơn, đem lại hiệu quả làm việc cao hơn.
Trên đây là những kiến thức cơ bản của việc đặt tượng Quan Âm bằng gỗ theo phong thủy. Hy vọng có thể giúp ích được phần nào cho bạn trong việc chọn mua tượng gỗ quan âm bồ tát.